Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu

Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang được rất nhiều người dân quan tâm bởi nó đem đến lợi nhuận hiệu quả và TTCK Việt Nam cũng đang hoàn thiện hơn để trở thành một kênh đầu tư thật sự hữu ích. Nhất là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng ở mức thấp kỷ lục, thị trường bất động sản thì kém sôi động. Thị trường chứng khoán càng thể hiện rõ vai trò của mình. Hôm nay 21IPM sẽ giúp Quý NĐT tìm hiểu cơ bản về thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán như thế nào.

 Thị trường chứng khoán là gì?

Thị trường chứng khoán là nơi phát hành giao dịch mua bán, trao đổi các loại các tài sản của thị trường vốn ( cổ phiếu trái phiếu) hoặc các loại chứng khoán khác như chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh… và được thực hiện chủ yếu tại sở giao dịch chứng khoán hoặc thông qua các công ty môi giới chứng khoán.

Thị trường chứng khoán được chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Tại thị trường sơ cấp, đây là nơi cổ phiếu lần đầu phát hành ra công chúng từ công ty cổ phần để tăng nguồn vốn đầu tư, điều này giúp họ có thể huy động một số vốn trên thị trường chứng khoán. 

Với thị trường chứng khoán thứ cấp, là nơi mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp, vì vậy sẽ không có tiền mới được sinh ra, mà chỉ là thay đổi quyền sở hữu cổ phiếu giữa người mua và người bán. Đây cũng là nơi các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia giao dịch chứng khoán.

Vai trò TTCK trong nền kinh tế?

1. Tạo tính thanh khoản chứng khoán. Tức là NĐT có thể chuyển đổi từ cổ phần công ty sang tiền mặt hoặc ngược lại, thị trường càng năng động và hiệu quả thì tính thanh khoản của thị trường càng được nâng cao.

2. Giúp đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà quản lý thị trường có thể đánh giá sự tăng trưởng ổn định hay suy thoái bất ổn định của các công ty.

3. Thúc đẩy cổ phần các công ty cổ phần và phát triển. TTCK hỗ trợ cổ phần hóa cũng như việc thành lập và phát triển của công ty cổ phần qua việc quảng bá thông tin, định giá doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành, phân phối chứng khoán một cách nhanh chóng, tạo tính thanh khoản cho chúng và như thế thu hút các nhà đầu tư đến góp vốn vào công ty cổ phần. 

Ngược lại, chính sự phát triển của mô hình công ty cổ phần đã làm phong phú và đa dạng các loại hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển sôi động của TTCK. Có thể nói TTCK và công ty cổ phần là hai loại định chế song hành hỗ trợ nhau cùng phát triển.

4. Thu hút vốn từ nước ngoài. TTCK không những thu hút các nguồn vốn trong nội địa mà còn giúp chính phủ và doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu công ty ra thị trường vốn quốc tế để thu hút thêm ngoại tệ.

Chứng khoán là gì?

Nhìn chung, chứng khoán là các loại giấy tờ có giá khác nhau được các tổ chức phát hành (theo luật định). Tuy nhiên đối với NĐT cá nhân sẽ giao dịch nhiều nhất các loại chứng khoán sau: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh… Tuy nhiên giới hạn về bài viết nên tác giả sẽ chỉ giải thích về cổ phiếu và trái phiếu.

Cổ phiếu là gì? cổ phiếu là một tờ giấy có giá (thực tế bây giờ số hóa cả rồi) chứng nhận số tiền mà cổ đông đã đầu tư vào doanh nghiệp, Người năm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông và có quyền sở hữu một lượng cổ phần nhất định trong công ty phát hành của người nắm giữ nó.

Trái phiếu là gì? Nếu bạn sở hữu cổ phiếu của một doanh nghiệp, tức là bạn sở hữu một tỷ lệ % cổ phần trong công ty đó. Bạn là đồng Chủ Sở Hữu của công ty ấy. Còn trái phiếu, nếu bạn sở hữu nó, bạn là Chủ Nợ của công ty phát hành ra trái phiếu.

Những quy định cần biết trước khi mua bán cổ phiếu.

Tại Việt Nam hiện tại có 3 sàn giao dịch chứng khoán. Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và sàn UPCOM. UPCOM là viết tắt của Unlisted Public Company Market – nơi giao dịch cho những công ty đại chúng chưa niêm yết, vì vậy mà về bản chất UPCOM không được coi là 1 sàn giao dịch.

Các sàn đều mở cửa vào các ngày làm việc trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, trừ những ngày lễ, Tết. Thời gian giao dịch trong ngày từ 9:00 sáng đến 14:45. Trong đó có khoảng thời gian nghỉ trưa từ 11:30 sáng đến 1:00 chiều. 

Phiên khớp lệnh định kỳ diễn ra vào 15 phút đầu tiên và 15 phút cuối cùng của 1 ngày giao dịch. Mục đích của phiên khớp lệnh định kỳ là xác định mức giá mở cửa và mức giá đóng cửa của 1 ngày giao dịch. Trong các phiên giao dịch này, mức giá mở/đóng cửa được xác định dựa trên mức giá mà tại đó khối lượng khớp lệnh là lớn nhất. Các lệnh ATO (At-the-open) và ATC (At-the-close) sẽ được sử dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ. Đây là 2 loại lệnh chỉ có khối lượng mà không có mức giá cố định, và được ưu tiên khớp trước tất cả những loại lệnh khác. Các lệnh mua/bán sẽ không được khớp ngay khi được nhập vào trong phiên khớp lệnh định kỳ mà phải chờ khi kết thúc 15 phút nhập lệnh. Giá tham chiếu chính là giá đóng cửa của phiên giao dịch liền trước đối với 2 sàn HOSE và HNX.

Phiên khớp lệnh liên tục là phiên giao dịch mà các lệnh mua/bán sẽ được khớp ngay lập tức sau khi nhập vào hệ thống. Loại lệnh được sử dụng nhiều nhất là lệnh LO (lệnh giới hạn, limited order). Lệnh LO là lệnh yêu cầu mua hoặc bán tại 1 mức giá xác định (mức giá bạn đặt) hoặc TỐT HƠN.

Ngoài lệnh ATO, ATC và lệnh LO thì còn một số loại lệnh cũng được sử dụng trong phiên khớp lệnh liên tục như MP, MTL, MOK, MAK… Tuy nhiên với người mới bắt đầu thì chỉ cần hiểu và biết cách sử dụng 3 loại lệnh ATO, ATC và LO là đủ.

CÁCH XEM VÀ PHÂN TÍCH BẢNG GIÁ CHỨNG KHOÁN

Bảng giá chứng khoán là nơi mà cảm xúc của bạn bị tác động nhiều nhất trong quá trình đầu tư. Tại sao lại thế?

Chúng ta luôn bị chú ý và thu hút bởi những thay đổi về màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng. Bảng giá điện tử đem đến cho bạn sự “cám dỗ” đó với những con số nhấp nháy xanh đỏ liên tục.==> tham khảo bảng giá tại:https://trade-hn.vndirect.com.vn/

Giống như mọi giao dịch mua bán hàng hóa khác, bảng giá chứng khoán niêm yết giá và khối lượng của từng mã chứng khoán và các chỉ số, được phân biệt bởi các màu sắc cơ bản: 

  • Màu vàng: màu của mức giá tham chiếu
  • Màu tím: màu của mức giá trần
  • Màu xanh lam: màu của mức giá sàn
  • Màu xanh lá cây: áp dụng khi mức giá khớp lệnh đang CAO HƠN giá tham chiếu
  • Màu đỏ: áp dụng khi mức giá khớp lệnh đang THẤP HƠN giá tham chiếu

Giá trần và giá sàn là gì?

Đây là mức giá tối đa (giá trần) và giá tối thiểu (giá sàn) cho phép được mua/bán trong phiên giao dịch ngày hôm đó. Quy định về giá trần và giá sàn ở mỗi sàn là khác nhau.

Đối với sàn HOSE, giá trần và giá sàn được tính +- 7% so với giá tham chiếu. Hay +-7% là biên giao dịch tối đa cho phép ở sàn HOSE.

Còn với sàn HNX, con số này là +-10%.

Thông tin quan trọng khác?

Chỉ số thị trường giúp bạn có góc nhìn tổng quan về toàn bộ thị trường. Cả thị trường đang tăng hay giảm, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch như thế nào.

Các chỉ số thông dụng như ví dụ bảng giá ở trên bao gồm:

  • VN-Index: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn HOSE
  • VN30-Index: đây là chỉ số tập hợp 30 CP lớn nhất (thông thường được tính theo vốn hóa thị trường) giao dịch trên sàn HOSE
  • VNXAllshare: đây là chỉ số tổng hợp tất cả CP giao dịch trên cả 2 sàn HOSE và HNX
  • HNX-Index: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn HNX
  • HNX30-Index: chỉ số tập hợp 30 CP lớn nhất (thông thường được tính theo vốn hóa thị trường) giao dịch trên sàn HNX
  • UPCOM: đây là chỉ số tập hợp tất cả CP giao dịch trên sàn UPCOM

Giao dịch của NĐTNN

Đây là thông tin rất quan trọng mà bạn cần quan sát trên bảng giá.

Ở một thị trường nhỏ như Việt Nam, dòng tiền từ NĐTNN ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá cổ phiếu. Vì thế bạn nên chú ý đến hoạt động mua/bán của NĐTNN đối với cổ phiếu mà bạn đang quan sát hoặc nắm giữ.

Nếu bạn thấy cổ phiếu đó được NĐTNN mua vào với khối lượng lớn liên tục trong nhiều ngày, có vẻ đó là 1 dấu hiệu tích cực. Ngược lại, nếu NĐTNN liên tục bán, hãy cẩn thận và tìm hiểu kỹ xem điều gì đang xảy ra.

Kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán như thế nào?

Có 2 cách mà bạn có thể thu được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán:

  • (i) Lợi nhuận từ cổ tức tiền;
  • (ii) Lợi nhuận từ chênh lệch giá cổ phiếu.

Như đã đề cập, việc nắm giữ cổ phiếu sẽ cho phép bạn được nhận cổ tức từ doanh nghiệp. Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được doanh nghiệp chia cho cổ đông, sau khi đã trích lập xong các quỹ theo quy định. Để nhận được khoản thu nhập này, Quý NĐT nên lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, đầu mỗi ngành, có lịch sử trả cổ tức đều đặn.

Lợi nhuận từ chênh lệch giá cổ phiếu là việc bạn: “Mua cổ phiếu với giá thấp, và bán cổ phiếu với giá cao”. Lợi nhuận bạn thu được sẽ là khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Để có thể nhận được lợi nhuận từ việc này, NĐT cần theo dõi thị trường khá thường xuyên, có thời gian dành cho việc giao dịch mua bán, và nắm cơ bản về phân tích kỹ thuậ. Bởi vì chúng ta sẽ quan tâm đến việc tăng giá để kiếm lời hơn, nên việc hiểu về phân tích kỹ thuật sẽ giúp NĐT giao dịch tốt hơn.