Cổ tức và những vấn đề cơ bản xoay quanh cổ tức

Sau mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên vào thời điểm quý 1,2 thì thời gian còn lại trong năm là để doanh nghiệp thực hiện chính sách cổ tức đã được ĐHĐCĐ thông qua, và tiến hành chi trả, phân phối cổ tức đến cho cổ đông. Sắp tới có rất nhiều những cổ phiếu “quốc dân” sẽ đến thời gian chia cổ tức, ví dụ như: HPG, FPT,… Chính vì vậy, 21IPM sẽ giúp NĐT hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn, về những vấn đề liên quan Cổ tức.

Cổ tức là gì?
Cổ tức là một phần lợi nhuận ròng được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần. Cổ tức có thể được trả bằng tiền, cổ phiếu. Nếu bạn nắm giữ cổ phiếu của công ty, thì công ty sẽ trích ra 1 phần từ lợi nhuận sau thuế để trả lại cho bạn.

Mục đích và ý nghĩa của việc trả cổ tức?
Việc chi trả cổ tức dù đơn giản là phương thức để phân phối lại lợi nhuận nhưng lại có ý nghĩ quan trọng đối với cổ đông. Đối với nhiều nhà đầu tư, việc công ty trả cổ tức vẫn tốt hơn là công ty giữ lại tiền của cổ đông và cũng thể hiện sự quan tâm của Ban lãnh đạo tới các cổ đông đang góp vốn để xây dựng công ty. Một số doanh nghiệp lớn hay chi trả cổ tức đều đặn hàng năm có thể kể đến như: VNM, FPT, HPG, MBB,…

Những điều cần biết liên quan tới việc chi trả cổ tức?

1. Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?
Đúng với cái tên “ ngày giao dịch không hưởng quyền” tức là đối với người mua cổ phiếu tại ngày này, sẽ không nhận được các quyền lợi phát sinh của kỳ đó như quyền nhận cổ tức, quyền tham dự ĐHCĐ hay quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…Bởi vì, lý do là đã qua ngày giao dịch cuối cùng để cổ phiếu có thể kịp về tài khoản của người mua để người mua có tên trong danh sách cổ đông( đang sở hữu cổ phiếu) để thực hiện quyền.

Theo quy định, đối với các giao dịch bình thường sau 02 ngày làm việc, thì chứng khoán hoặc tiền sẽ được hệ thống chuyển giao xong. Như vậy, ngày T0 là ngày giao dịch cuối cùng, T+1 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền, T+2 sẽ là ngày chốt danh sách cổ đông. Để nhận cổ tức thì nhà đầu tư mua cổ phiếu TRƯỚC ngày giao dịch không hưởng quyền (tức là tại ngày giao dịch cuối cùng) thì mới có tên trong danh sách được chốt, không kể cổ đông đó đã giữ cổ phiếu từ cách đây bao lâu.

2. Điều chỉnh giá tại ngày giao dịch không hưởng quyền như thế nào?

Để minh họa cho việc tính toán, chúng tôi xin lấy một ví dụ cụ thể để NĐT dễ hình dung:
Ngày 31/5/2021, Cổ phiếu HPG của CTCP tập đoàn Hòa Phát, tiến hành chi trả cổ tức năm 2020, trong đó cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:35, cổ tức bằng tiền 5%.- Cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5%/mệnh giá: tương đương 500đ/cổ phiếu- Cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:35 (hay 35%) Với giá đóng cửa tại ngày giao dịch cuối cùng là 67.100 đồng thì thay vào công thức trên ta sẽ có P’= (67100-500)/(1+35%) = 49.330 đồng.

Như vậy, vào ngày giao dịch không hưởng quyền, thị giá của cổ phiếu sẽ được điều chỉnh đúng bằng tỷ lệ cổ tức được chia, để cân bằng lợi ích giữa người mua trước và người mua sau. Không những vậy, người nhận cổ tức sẽ còn chịu thuế thu nhập cá nhân 5% tính trên phần giá trị cổ tức nhận được.Điều đó dẫn đến rất nhiều câu hỏi, có nên lăn chốt nhận cổ tức hay không? Chúng tôi sẽ cùng trao đổi với Quý NĐT ở luận điểm thứ 3.

3. Lăn chốt cổ tức nên hay ko nên?
Đây là câu hỏi khiến rất nhiều NĐT phải suy nghĩ, phải tính toán cái được, cái mất của việc “lăn chốt “ nhận cổ tức. Tuy nhiên tựu lại thì đó tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, và chiến lược đầu tư khác nhau, nên không thể ra một câu kết là có nên hay không.

Chúng tôi sẽ đưa ra vài điểm để Quý nhà đầu tư lưu tâm và quyết định như sau:
– Cổ tức thì sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân 5% trên chính dòng thu nhập từ cổ tức, ví dụ bạn cầm 1000 cổ phiếu HPG, chia cổ tức tiền 5%, thuế TNCN sẽ bị khấu trừ bằng 5%*5%*10.000*1.000 = 25.000 đồng. Cổ tức bằng tiền mặt sẽ bị khấu trừ luôn tại nguồn, nên khi nhận về, dòng tiền cổ tức thực nhận sẽ bằng 5%*10.000*1.000-25.000 = 475.000 đồng.

– Ngoài ra, theo nghị định mới về khai và thu thuế kể từ ngày 5/12/2020, khi nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ ngay 5% thuế thu nhập cá nhân.
Giá tính thuế:
* Nếu Giá bán/chuyển nhượng >= Mệnh giá (10.000 đ): Giá tính thuế = Mệnh giá
* Nếu Giá bán/chuyển nhượng < Mệnh giá (10.000 đ): Giá tính thuế = Giá bán/giá chuyển nhượng.
(Giá bán là giá khớp bình quân gia quyền của các lệnh bán trong ngày).


– Khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, NĐT sẽ có thể nhận thêm cổ phiếu lẻ, không tròn lô 100 cổ phiếu, thì khi xử lý số cổ phiếu lẻ sẽ phải bán giá sàn cho CTCK, chỉ trong trường hợp cổ phiếu đó thuộc sàn HNX hoặc Upcom thì NĐT có thể bán thẳng trên sàn được. Và NĐT sẽ phải chờ 1-3 tháng để số cổ phiếu cổ tức này được giao dịch.

– Xét về bản chất thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không phải là hình thức phân phối lợi nhuận sau thuế, và không phát sinh bất cứ dòng tiền chi ra cho cổ đông từ doanh nghiệp, khác với hình thức trả cổ tức bằng tiền, thì tiền mặt của DN giảm khiến cho tổng tài sản giảm tương ứng. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ làm những khoản mục nhỏ trong phần Vốn chủ sở hữu thay đổi, thông thường thì LNST chưa phân phối sẽ giảm đi và khoản mục vốn điều lệ sẽ tăng lên tương ứng, không làm thay đổi tổng tài sản. Như vậy, nó khá tương đồng với nghiệp vụ chia tách cổ phiếu.
Với ví dụ của HPG tại ngày 31/5/2021 thì sau khi chia cổ tức, 1.000 cổ phiếu giá 67.100 sẽ được tách thành 1350 cổ phiếu với giá thấp hơn là 49.330 đồng. Đây chính là hiện tượng pha loãng, tổng giá trị không thay đổi nhưng số lượng tăng lên khiến giá giảm đi. Nếu một DN thường xuyên trả cổ tức bằng cổ phiếu qua các năm một cách đều đặn, sẽ khiến cho số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên, qua đó làm tăng thanh khoản của cổ phiếu.